Câu chuyện về người phụ nữ phải đến phòng cấp cứu, sau đó nằm viện 5 ngày sau khi thi ăn với bạn được bác sĩ phẫu thuật tiêu hóa Trần Vinh Kiến (Đài Loan, Trung Quốc) kể lại. Bệnh nhân này ngoài 30 tuổi, được bạn bè đưa thẳng tới phòng cấp cứu trong tình trạng bụng phình to, khó thở, đau bụng dữ dội và chóng mặt.
Kiểm tra cho thấy dạ dày của cô này bị phình to bất thường do quá tải thức ăn. Ruột bị áp lực đè nén dẫn tới căng cứng, thiếu máu lưu thông và đau đớn. Điều này thường chỉ gặp ở bệnh nhân ung thư dạ dày hoặc tắc nghẽn do loét tái phát, nhưng cô lại không có tiền sử bệnh lý liên quan. Chỉ là do cô đã ăn quá nhiều cùng lúc, một cách bất thường so với chế độ ăn uống hàng ngày của mình và nhai không kỹ.

Ảnh minh họa
Người bạn đi cùng cho biết họ cùng tụ tập ăn uống và muốn khuấy động không khi nên tổ chức cuộc thi xem ai ăn được nhiều nhất trong 15 phút. Vì vậy, nữ bệnh nhân đã ăn rất nhiều pizza, gà rán và đồ ăn vặt khác và trở thành người thắng cuộc. Không lâu sau, cô bắt đầu có các dấu hiệu bất thường và phải đến bệnh viện ngay lập tức.
Vừa xấu hổ vừa đau đớn, người phụ nữ này muốn bác sĩ thực hiện phẫu thuật nội soi hoặc dùng ống thông dạ dày để trực tiếp lấy thức ăn ra. Tuy nhiên, bác sĩ Trần Kiến Vinh cho biết, mức độ chưa nghiêm trọng tới phải phẫu thuật. Còn ống thông dạ dày chỉ có thể dẫn lưu chất lỏng, không thể lấy thức ăn rắn ra ngoài. Vì vậy, cô buộc phải nhập viện để theo dõi trong 5 ngày, dùng các phương pháp nhẹ nhàng, ít rủi ro hơn cho đến khi hệ tiêu hóa từ từ trở lại bình thường.
Bác sĩ nhắc nhở những hiểm họa khôn lường của việc ăn quá nhiều cùng lúc
Theo bác sĩ Trần Vinh Kiến, ăn quá nhiều trong một thời gian ngắn có thể gây áp lực lớn lên dạ dày và ruột, làm chúng phải co bóp mạnh hơn để tiêu hóa lượng thức ăn quá tải. Điều này dễ dẫn đến tình trạng phình to dạ dày, tắc nghẽn ruột, thậm chí nhiễm trùng huyết hoặc hoại tử nếu thức ăn không được tiêu hóa kịp thời.
“Khi dạ dày bị căng quá mức, các cơ co bóp trở nên yếu hơn, làm chậm quá trình tiêu hóa và gây ra cảm giác khó chịu, đau bụng dữ dội. Nếu thức ăn ứ đọng quá lâu, vi khuẩn có thể sinh sôi, gây viêm nhiễm và làm tổn thương niêm mạc dạ dày. Đồng thời, áp lực quá mức lên ruột còn làm gián đoạn lưu thông máu, tăng nguy cơ tắc nghẽn và hoại tử ruột – một biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng” – ông nói.
Không chỉ dừng lại ở đó, ăn quá nhiều cùng lúc còn có thể gây ra nhiều tác hại khác như viêm tụy cấp do tuyến tụy phải tiết ra quá nhiều enzyme để tiêu hóa thức ăn, tăng nguy cơ đau tim vì máu phải tập trung nhiều ở đường tiêu hóa, gây thiếu máu cục bộ ở tim. Ngoài ra, còn dễ dẫn đến khó thở, buồn nôn, chóng mặt do áp lực lên cơ hoành và cản trở quá trình hô hấp.

Ảnh minh họa
Bác sĩ Trần Vinh Kiến nhấn mạnh rằng, ngay cả những người tham gia thi ăn chuyên nghiệp cũng thường phải nôn ra hoặc vào bệnh viện để rửa dạ dày vì cảm giác khó chịu quá mức. Thậm chí, đã có trường hợp đột tử khi thi ăn do gánh nặng quá lớn cho cơ thể.
Vì vậy, dù là trong cuộc vui hay khi thách đố bạn bè, hãy luôn nhớ rằng ăn uống điều độ, vừa đủ là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe. Đừng bao giờ xem thường những nguy hiểm tiềm ẩn khi ăn quá nhiều, nhất là đồ ăn nhiều dầu mỡ, khó tiêu hóa hoặc quá nhiều protein.
Nguồn và ảnh: ETtoday, Sohu