Cảm lạnh là căn bệnh phổ biến mà ai cũng từng trải qua. Vào mùa hè, nhiều người bị cảm thường băn khoăn không biết có nên dùng điều hòa hay không. Vậy giữa quạt điện và điều hòa, cái nào dễ gây cảm lạnh hơn? Khi sử dụng điều hòa vào mùa hè cần chú ý những gì?
Trước tiên, người bị cảm có nên bật điều hòa không? Khi bị cảm, cơ thể yếu đi, chức năng điều tiết thân nhiệt cũng hoạt động không bình thường, sự thay đổi nhiệt độ quá đột ngột có thể khiến tình trạng bệnh nặng hơn. Từ góc độ này, cảm lạnh không phải là tuyệt đối không được dùng điều hòa, nhưng cần sử dụng đúng cách.
Nếu trời quá nóng, phòng quá bí và ngột ngạt, không bật điều hòa thì khó chịu, lúc này bạn có thể chỉnh điều hòa ở mức 26-28 độ C là vừa, và tránh để luồng gió lạnh thổi trực tiếp vào người. Ngoài ra, cũng đừng ở trong phòng điều hòa quá lâu, nên thỉnh thoảng ra ngoài hít thở không khí để cơ thể thích nghi với nhiệt độ bên ngoài. Ngược lại, nếu phòng không quá nóng, hoặc triệu chứng cảm nặng (sổ mũi, đau đầu, sốt), thì nên tránh dùng điều hòa, chỉ cần dùng quạt hoặc mở cửa thông gió để làm mát là được.


Vậy quạt hay điều hòa dễ gây cảm hơn? Thật ra, dùng không đúng cách thì cả hai đều dễ khiến người ta bị cảm lạnh. Quạt giúp tăng lưu thông không khí, làm mồ hôi bay hơi nhanh, mang lại cảm giác mát mẻ. Nhưng nếu để quạt thổi vào cùng một vị trí quá lâu, vùng da đó bị hạ nhiệt, mạch máu co lại, cơ thể không kịp thích nghi sẽ dễ bị cảm. Đặc biệt là lúc ngủ, cơ thể phản ứng chậm, nếu bị quạt thổi trực tiếp suốt đêm thì càng dễ nhiễm lạnh. Còn với điều hòa, nguy cơ cảm lạnh chủ yếu đến từ sự chênh lệch nhiệt độ giữa trong và ngoài phòng. Nếu từ ngoài trời nóng bước vào phòng lạnh hoặc ngược lại quá nhanh, cơ thể không kịp thích ứng cũng dễ bị cảm. Thêm nữa, phòng điều hòa thường kín, không khí khó lưu thông, nếu có người cảm thì virus, vi khuẩn dễ lây lan trong phòng. Đặc biệt nếu điều hòa lâu ngày không vệ sinh, bụi bẩn, vi khuẩn tích tụ trong máy sẽ theo luồng gió bay ra ngoài, khiến người hít phải dễ mắc bệnh.
Vậy khi dùng điều hòa mùa hè cần chú ý gì?
Trước hết, không nên để nhiệt độ quá thấp. Nhiều người nghĩ để nhiệt độ thấp mới mát, có khi để xuống dưới 20 độ C, nhưng điều này rất không tốt. Nhiệt độ trong và ngoài phòng không nên chênh lệch quá 7 độ C, lý tưởng là khoảng 26 độ C, vừa mát vừa tiết kiệm điện và không gây gánh nặng cho cơ thể.
Thứ hai, không để gió lạnh thổi thẳng vào người. Gió lạnh thổi trực tiếp có thể làm lạnh cơ, khớp gây đau đầu, nhức chân tay. Nên chỉnh hướng gió thổi lên trần để không khí lạnh phân tán từ từ, giúp làm mát đều mà không gây lạnh người. Ngoài ra, cần lưu ý thông gió cho phòng điều hòa. Vì phòng kín khiến CO2 tăng, O2 giảm, dễ gây chóng mặt, ngột ngạt. Cứ cách một khoảng thời gian nên mở cửa sổ 15-20 phút để trao đổi khí. Nếu không tiện mở cửa, có thể dùng máy lọc không khí hoặc hệ thống thông gió.
Ngoài ra, nhớ vệ sinh điều hòa thường xuyên. Dùng lâu, bụi và vi khuẩn bám vào lưới lọc, dàn lạnh, nếu không làm sạch thì gió điều hòa sẽ chứa nhiều vi khuẩn gây bệnh. Nên vệ sinh lưới lọc 1-2 tuần một lần, có thể tự tháo ra rửa bằng nước sạch, ngâm dung dịch sát khuẩn. Còn phần bên trong thì nên thuê kỹ thuật viên vệ sinh chuyên sâu mỗi năm 1-2 lần.
Một số lưu ý nhỏ khác như: đừng vào phòng điều hòa khi đang ra nhiều mồ hôi, hãy lau khô mồ hôi, đợi cơ thể nguội bớt rồi hãy vào. Buổi tối ngủ thì nên bật chế độ ngủ của điều hòa, tăng nhẹ nhiệt độ, đắp chăn mỏng để tránh cảm lạnh. Người già, trẻ nhỏ và người thể trạng yếu càng cần thận trọng khi dùng điều hòa, đừng để họ ở phòng lạnh quá lâu.
Nguồn và ảnh: QQ