Chứng Misophonia (sợ âm thanh) khiến một người dễ cáu gắt, hoảng sợ, thậm chí “phát điên” dù chỉ nghe tiếng nhai kẹo cao su, nhịp gõ tay xuống bàn.
Melissa Gilbert – đóng Laura Ingalls trong “Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên”, dễ dàng cảm thấy cáu gắt mỗi khi có ai đó trên phim trường ăn uống, nhai kẹo cao su hay gõ nhịp ngón tay trên bàn.
Cơn tức giận đôi khi khiến cô la hét với các bạn diễn của mình. Ngay sau đó, nữ diễn viên lại bật khóc vì “cảm thấy tội lỗi khủng khiếp”. Các triệu chứng này bắt đầu kể từ khi cô còn nhỏ.
“Tôi trừng mắt nhìn cha mẹ, bà ngoại và anh chị em mỗi khi họ phát ra tiếng động. Ban đầu tôi chỉ nghĩ rằng mình thô lỗ mà thôi”, cô chia sẻ.
Sau khi đi khám, Gilbert mới biết mình mắc Misophonia (chứng ghét âm thanh hay dị ứng tiếng ồn) – hội chứng rối loạn thần kinh ở 15% người trưởng thành trên thế giới.
Misophonia là gì?
Theo Cleveland Clinic, những người mắc chứng Misophonia thường cảm thấy nóng giận đến không kiểm soát, lo lắng hoặc ghê tởm khi nghe được một số âm thanh nhất định, chẳng hạn tiếng thở, tiếng nhai chóp chép, vòi nước nhỏ giọt, tiếng bấm bút, tiếng tích tắc của đồng hồ,… Đây được gọi là các âm thanh kích hoạt.
Các triệu chứng của Misophonia giống với phản ứng “chiến đấu hay bỏ chạy” (một dạng phản ứng tự vệ) của con người trước tình huống nguy hiểm. Trong những trường hợp cực đoan, người bệnh có thể tăng nhịp tim, huyết áp, đổ mồ hôi.
Phản ứng hành vi bao gồm tránh các tình huống dễ nghe được âm thanh kích hoạt, rời khỏi khu vực có các âm thanh dễ khiến họ bị khó chịu, la hét, thậm chí biểu hiện bạo lực với người tạo ra âm thanh.
Misophonia ảnh hưởng đến phụ nữ nhiều hơn nam giới, chiếm 55% đến 83%. Bệnh phát triển ở mọi lứa tuổi, nhưng nhiều nhất là thiếu niên.
Nguyên nhân
Các nhà khoa học chưa xác định được nguyên nhân gốc rễ của Misophonia, song họ cho rằng di truyền và sự khác biệt trong cấu trúc não bộ đóng vai trò quan trọng.
Một nhóm nghiên cứu ở Anh đã phân tích 20 người trưởng thành mắc chứng Misophonia và 20 người không bị bệnh. Tình nguyện viên được yêu cầu đánh giá mức độ khó chịu với các loại âm thanh khác nhau, gồm dạng thường (tiếng ăn uống, tiếng thở), gây xao nhãng phổ biến (tiếng trẻ em khóc, tiếng la hét) và trung tính (tiếng mưa).
Đúng như dự đoán, những người mắc chứng Misophonia đánh giá âm thanh thông thường ở mức gây lo ngại, trong khi nhóm còn lại thì không. Cả hai nhóm có mức độ khó chịu với tiếng trẻ em khóc và âm thanh trung tính như nhau. Điều này cho thấy người bị Misophonia ảnh hưởng nhiều hơn bởi các dạng âm thanh thông thường cụ thể. Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý người mắc chứng Misophonia có dấu hiệu căng thẳng sinh lý, chẳng hạn tăng mồ hôi và nhịp tim đối với tiếng ăn và thở.
Thông qua nghiên cứu, các nhà khoa học phát hiện vỏ não trước, phần não bộ chịu trách nhiệm cho cảm giác tức giận và kích thích âm thanh đầu vào từ bên ngoài có liên kết với tim phổi. Họ cũng nhận thấy vỏ não trước ở người mắc chứng Misophonia hoạt động tích cực hơn khi gặp âm thanh so với nhóm đối chứng. Cụ thể, các phần não chịu trách nhiệm cho việc ghi nhớ dài hạn, sợ hãi đã được kích hoạt.
Điều trị
Misophonia có một số điểm tương đồng và liên kết với các tình trạng tâm lý khác, chẳng hạn rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) và rối loạn sang chấn tâm lý (PTSD). Người bệnh có thể được điều trị bằng các hình thức sẵn có cho hai hội chứng trên.
Các chuyên gia sẽ tập trung xác định loại âm thanh kích hoạt; tìm cách giảm thiểu hoặc ngăn chặn chúng; phát triển chiến lược và kỹ thuật để đối phó với nó, tránh phản ứng bốc đồng của người bệnh; giảm độ nhạy cảm của bệnh nhân với các yếu tố kích hoạt.
Nhiều bệnh nhân có thể xử lý tình trạng này bằng cách sử dụng nút bịt tai, tai nghe chống ồn, sử dụng các loại âm thanh bổ trợ. Các chuyên gia khuyến nghị người bệnh chủ động làm việc tại những nơi yên tĩnh, thông báo cho cấp trên về tình trạng của mình để nhận được sự hỗ trợ thích hợp.
Thục Linh (Theo Fortune, webMD)
Tham khảo từ https://vnexpress.net/hoi-chung-khien-mot-nguoi-phat-dien-du-nghe-tieng-on-nho-4786351.html
Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Thông tin được cung cấp chỉ mang tính chất thông tin chung, https://visavivu.com không đưa ra bất kỳ tuyên bố hoặc bảo đảm nào liên quan đến thông tin, bao gồm nhưng không giới hạn bất kỳ sự tuyên bố hoặc bảo đảm về tính thích hợp cho bất kỳ mục đích cụ thể nào của thông tin theo phạm vi cho phép tối đa của pháp luật. Mặc dù đã nỗ lực để đảm bảo rằng thông tin được cung cấp trong bài viết này là chính xác, đáng tin cậy và hoàn chỉnh vào thời điểm đăng tải, nhưng thông tin được cung cấp trong bài viết này không nên được dựa vào để đưa ra bất kỳ quyết định tài chính, đầu tư, bất động sản, giao dịch hoặc pháp lý nào. Thêm vào đó, thông tin không thể thay thế lời khuyên từ một chuyên gia được đào tạo, người mà có thể xem xét, đánh giá các sự kiện và hoàn cảnh cá nhân của bạn, và chúng tôi không chịu bất kỳ trách nhiệm nào nếu bạn sử dụng những thông tin này để đưa ra quyết định. Xin cảm ơn!